Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác năm 2023
Là đơn vị hoạt động ủy thác, năm qua (2022), Hội Cựu chiến binh tỉnh (CCB) Ninh Bình đã cùng với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) tiếp tục tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Các chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ của Hội CCB tỉnh nhận uỷ thác mà NHCSXH đề ra. Hoạt động tín dụng được triển khai kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các đối tượng chính sách; đặc biệt là chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Chất lượng tín dụng chính sách ngày càng đi vào nề nếp và nâng cao; kết quả là: Toàn Hội có 14.544 hộ vay vốn/446 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), tổng dư nợ của CCB (đến 31/12/2022) là 612.227 triệu đồng (tăng so đầu năm 80.584 triệu đồng), chiếm 18,71% tổng dư nợ uỷ thác; nợ quá hạn là 716 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,12%); số tiền gửi tiết kiệm là 27.389.000.000 đổng/14.306 hộ (bình quân mỗi hộ vay gửi tiết kiệm là 1.858.000 đ). Có 08 đầu mối CCB/133 thẻ/3.966 triệu đồng “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Các nề nếp như: Xây dựng kế hoạch, duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát và báo cáo thực hiện nghiêm túc, các đối tượng sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, chất lượng tín dụng ngày một nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2022, hoạt động uỷ thác cũng còn bộc lộ những nguyên nhân, như: Đa số cán bộ Hội cấp cơ sở mới được kiện toàn sau Đại hội, đang tiếp cận dần công việc nhận uỷ thác nên kinh nghiệm ít, công tác triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả còn hạn chế, chưa cao; công tác giám sát; lưu trữ hồ sơ, có nơi, có chỗ còn chưa chặt chẽ, thiếu tính khoa học. Việc thực hiện quy trình bình xét vốn vay ở một số tổ TK&VV thực hiện chưa đúng quy trình, có tình trạng 1 hộ có 2 người đứng tên vay, vay sai đối tượng....
Để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác trong năm 2023, Hội CCB tỉnh thống nhất chỉ đạo, tập trung với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, như: Kiện toàn nhân sự, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng do Hội Cựu chiến binh quản lý; phấn đấu nợ quá hạn xuống dưới 0,11%; chỉ đạo Hội CCB các huyện, thành phố tập trung xử lý hiệu quả, giảm tỷ lệ nợ quá hạn. Nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, phấn đấu có 98% các tổ xếp loại tốt và khá, không để tổ yếu kém; thực hiện nghiêm túc các bước trong quy trình bình xét vay vốn tại các tổ TK&VV. Tích cực học tập, ứng dụng công nghệ thông tin đối với quy trình ủy thác. Tiếp tục thực hiện phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” theo Kế hoạch của UBND tỉnh và Công văn của Ngân hàng CSXH tỉnh. Thực hiện nghiêm túc quy trình uỷ thác (theo văn bản hướng dẫn số 10566/HD-NHCS ngày 29/12/2022 của Tổng Giám đốc NHCSXH); chú trọng kiểm tra các đối tượng vay vốn và các đối tượng hưởng hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc tích cực tuyên truyền các Chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ (theo Nghị quyết số 11/NQ-CP), lộ trình chiến lược phát triển NHCSXH của Chính phủ...... để các đối tượng thụ hưởng vốn vay và mọi người biết, giám sát việc thực hiện chính sách tại cơ sở; đây sẽ là cơ sở để các cấp Hội CCB Ninh Bình quyết tâm thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo/.
Tin: Đoàn Quang Phú - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh
|