Chỉ thị số 40 CT TW Kỳ II “Chắp cánh những ước mơ"
Không chỉ là đòn bẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tín dụng chính sách còn góp phần hiện thực hóa những giấc mơ học tập, chinh phục tri thức, giấc mơ về một ngôi nhà kiên cố để an cư lạc nghiệp của nhiều người.
Cho đến bây giờ, bà Trần Thị Giang (xóm 2, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn) vẫn không quên cảm giác vừa mừng, vừa lo khi cầm trên tay tờ Giấy báo trúng tuyển đại học của con trai đầu lòng. Nỗi lo của bà Giang được giải tỏa khi đồng vốn chính sách "gõ cửa" gia đình bà.
Nhớ lại những ngày đầu, bà Giang ngậm ngùi chia sẻ: "Con đỗ Đại học mừng mừng tủi tủi bởi không biết lấy tiền đâu cho con đi học khi một mình tôi phải nuôi 4 đứa con ăn học. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 2 mẫu ruộng và nghề thuốc nam gia truyền. Thương mẹ, con tôi bảo để nó bảo lưu kết quả, đi làm thêm phụ giúp mẹ nuôi các em trước, rồi đi học sau nhưng tôi thương con, không nỡ. Biết được hoàn cảnh của gia đình, đại diện cấp ủy, chính quyền xã, các tổ chức đoàn thể đã đến vận động cho cháu đi học và hỗ trợ mọi thủ tục để tôi được vay vốn học sinh sinh viên từ NHCSXH...".
4 năm sau, có tấm bằng kỹ sư trong tay, con trai bà Giang được tuyển vào một Công ty cơ khí với mức lương cao và trở thành trụ cột của gia đình nuôi các em đang theo học đại học và THPT. Trong ngôi nhà nhỏ treo đầy những giấy khen của các con, bà Giang không giấu được niềm hạnh phúc. "Các con của tôi có được thành công như ngày hôm nay tất cả là nhờ có sự quan tâm của địa phương, nhờ chính sách tín dụng nhân văn của Đảng, Nhà nước".
Không chỉ riêng bà Giang, ông Nguyễn Văn Tám và bà Phạm Thị Tuyến ở khu Phố Đông, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh cũng rất xúc động khi chia sẻ về đồng vốn chính sách đối với gia đình. Là hộ thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa nên việc duy trì cho con đến giảng đường Đại học rất khó khăn, nhưng gia đình ông Tám vẫn kiên trì bám trụ cho 3 con đến trường. May mắn là trong hành trình chinh phục tri thức, gia đình ông luôn có sự đồng hành của NHCSXH. Các con của ông Tám đều hiểu được hoàn cảnh gia đình nên rất nỗ lực chăm chỉ học tập. Con gái đầu và con trai thứ 2 cùng học Đại học Bách Khoa Hà Nội, con trai út học Đại học Bưu chính Viễn thông.
"Vất vả, cực nhọc thế nhưng cả nhà chúng tôi đã dìu dắt nhau vươn lên, đến hôm nay dù vẫn là khách hàng thân thiết của NHCSXH nhưng vợ chồng tôi có thể mãn nguyện vì cả 3 đứa con đều ăn học thành tài, có việc làm ổn định", ông Tám tâm sự.
Bà Lê Thị Thanh Huyền, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Khánh chia sẻ: Đơn vị thường xuyên phối hợp rà soát các hộ dân có nhu cầu vay vốn học sinh, sinh viên trong các đối tượng đủ điều kiện như: Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; học sinh, sinh viên là thành viên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật..., đảm bảo không có học sinh, sinh viên nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học.
Theo thống kê của NHCSXH Chi nhánh tỉnh Ninh Bình, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, trên địa bàn tỉnh có 70.277 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 1.599 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được hỗ trợ vay vốn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Niềm vui trong những ngôi nhà mới: Với thu nhập của vợ chồng trẻ còn thấp, việc có được một ngôi nhà riêng là điều xa vời đối với chị Bùi Thị Tuyến, thôn Quán Vinh, xã Ninh Hòa (Hoa Lư). Tuy nhiên, do gia đình có nhiều thế hệ cùng sống chung trong ngôi nhà cũ chật chội đã khiến vợ chồng chị Tuyến nghĩ đến việc làm nhà. Biết đến chính sách cho vay nhà ở xã hội, lãi suất thấp, thời gian trả nợ kéo dài, chị quyết định vay 350 triệu đồng, cộng với số tiền tích cóp được để xây dựng ngôi nhà mơ ước. Theo tính toán của chị Tuyến, với đồng lương công nhân của chị và thu nhập từ việc làm dịch vụ máy nông nghiệp của chồng, vợ chồng chị có thể dành dụm đủ để 6 tháng phân kỳ trả gốc, lãi thì trả hằng tháng, như vậy vẫn bảo đảm cho cuộc sống.
Cũng như chị Tuyến, gia đình chị Bùi Thị Nhung và anh Bùi Trọng Toàn, thôn Cổ Loan, xã Ninh Tiến (thành phố Ninh Bình) chưa bao giờ nghĩ có được ngôi nhà khang trang với diện tích sàn gần 180 m2 như hiện nay. Chị Nhung chia sẻ: "Nếu vay các ngân hàng thương mại thì chắc chúng tôi không dám, vì lãi suất quá cao. Thật may mắn khi có chương trình cho vay nhà ở xã hội, lãi suất thấp, thời hạn vay dài, việc trả gốc, lãi linh hoạt nên vợ chồng tôi yên tâm vay vốn. Các thủ tục vay được cán bộ ngân hàng trực tiếp hướng dẫn tận tình, ngay từ đầu nên cũng khá dễ dàng".
Niềm vui của chị Tuyến, chị Nhung cũng là tâm trạng chung của các hộ gia đình khi được vay vốn ưu đãi. Với gói hỗ trợ từ NHCSXH đã góp phần giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, lao động, công nhân, viên chức thu nhập thấp có được căn nhà khang trang. Điều này một lần nữa khẳng định, tín dụng chính sách là một định chế tài chính công sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, kịp thời đồng hành cùng mỗi người dân trong mỗi giai đoạn quan trọng của đời người, đó là học tập, lập nghiệp, khởi nghiệp, an cư…
Đồng chí Tống Như Tùy, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hoa Lư cho biết: Chương trình cho vay nhà ở xã hội là một chương trình rất thiết thực, ý nghĩa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, do vậy đơn vị đang tích cực tuyên truyền rộng rãi đến người dân để các hộ đủ điều kiện có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Hồ sơ, quy trình vay vốn được triển khai đúng quy định và bảo đảm thời gian giải ngân nhanh nhất.
Chỉ thị số 40 CT TW Kỳ III “Khi ý Đảng hợp lòng dân”
Hiệu quả của tín dụng chính sách đem đến không chỉ là giá trị kinh tế mà hơn cả là những vấn đề xã hội được giải quyết, cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người nghèo, người yếu thế đã từng bước được cải thiện, nâng cao. Qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước trên cơ sở hòa hợp ý đảng, lòng dân.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Đến hết tháng 6 năm 2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 4.039 tỷ đồng, tăng 2.383 tỷ đồng (tăng 144%) so với trước khi có Chỉ thị số 40. Điều đáng nói là trong tổng nguồn vốn này thì vốn nhận ủy thác tại địa phương tăng hơn 3.213% so với trước khi có Chỉ thị, đạt trên 407 tỷ đồng. Sự tăng trưởng ấn tượng này là kết quả của sự chuyển biến từ tư duy nhận thức đến hành động, với nhiều cách làm sáng tạo của các địa phương về tín dụng chính sách xã hội.
Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn chia sẻ: Kim Sơn là huyện ven biển, dân số đông, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh cao, nhất là nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, huyện chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác tín dụng cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn, sử dụng vốn vay hiệu quả. Việc huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội cũng là nhiệm vụ được địa phương quan tâm. Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng hằng năm UBND huyện đều cân đối, bố trí vốn chuyển sang NHCSXH huyện để bổ sung nguồn lực cho vay, năm 2024 là 11,7 tỷ đồng, tăng 100% so với trước khi có Chỉ thị.
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Kim Sơn đạt khoảng 835,5 tỷ đồng, tăng 556,7 tỷ đồng so với năm 2014; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt xấp xỉ 20%, với trên 51,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn và hơn 16 nghìn khách hàng còn dư nợ. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách, 10 năm qua đã có trên 6,8 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Thực tế, không chỉ có huyện Kim Sơn, bám sát nội dung của Chỉ thị số 40, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Ninh Bình đã xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Theo đó, đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của đơn vị trên địa bàn; cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; bám sát, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp với Ngân hàng trong việc thực hiện các chương trình tín dụng; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan lồng ghép hoạt động tín dụng với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.
Công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp được thực hiện thường xuyên, nhất là sau khi Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, từ đó đã nâng cao năng lực hoạt động; các chủ trương, chính sách được triển khai nhanh chóng, những khó khăn, vướng mắc được Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời tại cơ sở.
Cùng với sự tận tâm, tận tụy, trách nhiệm của cán bộ và nhân viên NHCSXH không quản khó khăn, vất vả..., đúng giờ giao dịch cố định là có mặt phục vụ Nhân dân đã kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo nên thành công chung của Chỉ thị số 40.
Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua NHCSXH đã khắc phục được tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đời sống Nhân dân được nâng lên, điều kiện kinh tế được cải thiện, ổn định trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh, vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho gần 591 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt gần 12.054 tỷ đồng. Nguồn vốn góp phần giúp gần 81 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 78.630 lao động, 83 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn hòa nhập cộng đồng; 70.277 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ gần 1.600 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; xây dựng 348.571 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 1.700 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách, đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Rõ ràng hiệu quả đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ tính bằng những giá trị kinh tế đạt được mà còn là điểm tựa vững chắc cho người nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống. Để phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục quan tâm quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc nắm bắt thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại địa phương. Chỉ đạo thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình làm cơ sở thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh, kịp thời nguồn vốn. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc giám sát, phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh triển khai mở rộng cuộc vận động Vì người nghèo, xem xét gửi các quỹ, các khoản tiền tạm thời nhàn rỗi vào NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn.
Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tập trung thực hiện đầy đủ, hiệu quả các công việc được ủy thác; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án của các hội, đoàn thể. Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, các mô hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Đồng chí Phạm Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngân hàng tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù. Trong đó, tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ Nhân dân với phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ".
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp và hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ. Gắn hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm toán nội bộ với việc nâng cao khả năng cảnh báo sớm rủi ro. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng, phù hợp với hoạt động đặc thù của tín dụng chính sách xã hội.
Bài: Nguyễn Lựu